Lễ hội Nhặn Sồng và Nào Sồng

Trước đây người Dao đỏ ở làng Giàng Tả Chải (Tả Van – Sa Pa) tổ chức lễ Nhặn Sồng vào những ngày tốt của tháng đầu năm hàng năm ở khu rừng cấm của làng. Từ đầu thập kỷ 50, chỉ năm nào rừng bị phá nhiều, người Dao mới tổ chức lễ.

Lễ vật là một con lợn đen, mập mạp do từng gia đình luân phiên nhau hàng năm nuôi dưỡng. Trong ngày lễ, mỗi nhà cử từ một đến hai nam giới đi dự. Họ mặc quần áo đẹp, mang theo rượu và một bát gạo đi khu rừng hay bị phá nhất. Có khi họ chọn địa điểm họp là ngôi nhà gần khu rừng bị phá (vì theo họ nhà ở gần rừng hay thả rông gia súc và hay phá rừng nhiều hơn).

Khi mọi người đến đông đủ, dân làng bầu ra một người đứng đầu trông coi rừng trong năm gọi là “Chẩu chiếu”. Người đó phải có sức khoẻ, giỏi lý lẽ, hiểu biết lệ tục. Sau đó, “Chẩu chiếu” làm lễ cúng thần thổ địa “Thủ Ti” – Vị thần cai quản cộng đồng làng.và đọc quy ước của làng.

Cứ mỗi một điều quy định được “Chẩu Chiếu: đọc ra, đại diện các gia đình sẽ thảo luận. Cuối cùng, “Chẩu chiếu” tổng hợp các ý kiến thành quy ước riêng của làng về bảo vệ rừng, mọi người dân trong làng đều có trách nhiệm thực hiện. Bằng sự chứng kiến, công nhận của thần thổ địa, bản quy ước trở thành luật lệ của làng, mọi dân làng đều tự giác tuân theo.

Sau buổi họp thống nhất quy ước, mọi người quây quần ăn chung những thứ mang đến:thịt, cơm bầy ra lá rừng, rượu uống bằng ống bương.

Tương tự với người Dao, người Mông ở Séo Mí Tỷ, Dền Thàng Tả Van, Lao Chải, Hầu Thào, trước đây đều tổ chức lễ ăn ước tương tự như lễ Nhặn Sồng nhưng ngày cúng thường là ngày Thìn của tháng giêng (với ý niệm mong mưa thuận gió hoà) gọi là lễ Nào Sồng. Nội dung quy ước của lễ Nào Sồng ngoài việc bảo vệ rừng, còn có các vấn đề phòng chống trộm cắp, bảo vệ mùa màng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau…